Thứ Hai, 10 tháng 12, 2007

Đời Không Đáng Buồn 1


Bạch Cư Dị ngày xưa đất Trích,
Bến Tầm Dương cùng tịch nghe đàn.
Bao nhiêu nỗi thở, niềm than,
Tiếng Tỳ vừa dứt chứa chan mạch sầu !
Thơ để lại ngàn sau tri kỷ,
Nỗi đoạn trường nào chỉ riêng Ông ?
Rượu không, tiền bạc cũng không,
Chân cuồng bước quẩn ở trong xó nhà.
Tôi cũng bệnh, lại già hơn Bạch,
Bả lợi danh rũ sạch từ lâu,
Lau vàng, trúc võ thấm đâu, (1)
Đất cằn sỏi đá lạnh thâu đêm ngày.
Vài củ sắn ăn chay suốt tháng,
Một căn buồng, trăm mạng chia nhau.
Mỗi năm cơm sạn vài thau,
Mắt thèm quên cả niềm đau thuở giờ.
Lại diễn lại nước cờ thí tốt,
Lửa oán thù nhóm đốt tình thương.
Ông còn là kẻ hiền lương,
Tôi trong cảnh ngộ bất thường, éo le.

(1) Hoàng lô, khổ trúc nhiễu trạch sinh
(Lau vàng, trúc võ nảy mầm quanh hiên)

Tỳ Bà Hành


Dẫu có muốn đêm nghe vượn hót,
Hoặc nghiêng chai mình rót cho mình.
Ông như nếu muốn thực tình,
Từ quan về với gia đình làm dân.
Tôi dù muốn chân trần, áo vá,
Bên vợ con nấn ná qua ngày.
Tuổi già sớm dắt trâu cày,
Tối về vui với một bầy trẻ thơ.
Trước trăng gió hững hờ thế sự,
Gần cỏ cây tình tự đôi câu.
Thế nhưng có dễ dàng đâu !
Ông, tôi rõ thật khác nhau muôn vàn.
Đọc thơ Ông canh tàn chẳng ngủ,
Ghen với Ông lại cứ thương Ông.
Ngàn sau dẹp hết gai chông,
Nếu như thế giới đại đồng văn minh.
Có ai nghĩ tới mình, rỏ lệ,
Mà thương cho cái lụy làm người ?
Hay là no ấm tốt tươi,
Hậu sinh chỉ biết học cười cũng nên !

Đời Không Đáng Buồn 2


Ông không đói, không thèm, không khát,
Mỗi khi vui đàn hát tự do.
Gió trăng của sẵn trời cho,
Gặp tri âm cứ chuyện trò thâu đêm !
Lại dong sáp rót thêm rượu quý,
Dang tay mời túy lúy cùng say.
Mà thơ trăm đắng, ngàn cay,
Thế thì ông hiểu bọn này làm sao ?
Mọi đi đứng, nói chào, thức ngủ,
Phải học hành, tuân thủ từng ly.
Củ khoai, chén bắp, khúc mì,
Còn chưa ấm dạ nói gì bát cơm !?
Tuy cũng có mùi thơm cỏ dại,
Giọt mồ hôi nhễ nhại vai già.
Tối về nhốt kỹ trong nhà,
Của trời trăng gió lại là của ai.

Một tí muối, một vài ngụm nước,
Que đóm con châm thuốc : khó khăn.
Suốt ngày chỉ nghĩ đến ăn,
Thế nhưng vẫn có thơ văn trữ tình !
Vẫn thỉnh thoảng vây quanh giọng hát,
Kề vai nhau bát ngát miệng cười.
Chỉ còn nhìn thấy con người,
Quên mình đang ở giữa nơi lao tù.
Ngoài là kẻ tội đồ bệ rạc,
Trong, tâm hồn mộc mạc thiết tha.
Bạn bè thân thích xót xa,
Người trong cảnh ngộ cứ là thản nhiên.
Khác ông cụ Lạc Thiên họ Bạch,
Sống giữa nơi cùng tịch, thiên nhai.
Người xưa lệ đẫm canh dài,
Ngày nay ta lại hát bài yêu thương.

Đời Không Đáng Buồn 3


Bỗng dưng nhớ Tầm Dương đất Trích,
Ông Lạc Thiên họ Bạch ngày xưa.
Đêm thu nhân buổi tiễn đưa,
Vi lô xào xạc đôi bờ heo may.
Bỗng dìu dặt thoảng bay theo gió,
Tiếng tỳ bà ai đó vừa buông ?
Quanh năm bên chén rượu suông,
Chỉ nghe vượn hú điên cuồng canh thâu.
Người dạo nhạc ở đâu tới đó ?
Khách đa tình thật khó làm ngơ.
Lần theo tiếng nhạc bất ngờ,
Giai nhân tháng đợi, năm chờ là đây.
Người dù chẳng hây hây má phấn,
Chẳng xiêu đình, đổ quán như ai.
Thi nhân lụy một chữ tài,
Còn người : hương sắc tàn phai bẽ bàng !
Kẻ hôm trước ngàn vàng khó kiếm,
Miếng cơm rau đắp điếm tuổi già.
Hôm nay với lại hôm qua,
Đổi thay đến thế, ai mà tiên tri ?
Người trong tiệc khóc vì oan trái,
Hay khóc vì nông nỗi phù du ?
Ngàn xưa thăm thẳm, mịt mù,
Nỗi lòng theo tiếng gió thu vẫn còn !

Đọc vẫn thấy nỉ non, nức nở,
Tưởng lời ai than thở đêm nào.
Tiếng tỳ xé lụa thật sao,
Chẳng nghe mà cũng nôn nao, sững sờ !
Ta từ nhỏ mê thơ, thích nhạc,
Đến bây giờ tuổi tác dù cao.
Si mê vẫn giống thuở nào,
Chút tâm sự ấy biết bao nhiêu người !
Đất Nghệ Tĩnh khắp nơi sỏi đá,
Rừng Thanh Chương hoa lá xác xơ.
Gặp người, người những hững hờ,
Trẻ con còm cõi, ngẩn ngơ, lạnh lùng.
Ta nhìn họ vô cùng thương họ,
Quên hẳn mình cảnh ngộ bi thương.
Giam thân trong bốn bức tường,
Lạ chưa ! Lòng vẫn bình thường thản nhiên.
Ôi ! Người lính vốn hiền như Phật,
Sống chỉ lo vừa thật vừa thành.
Coi thường cái bả lợi danh,
Hễ ai nhắc đến đấu tranh, lắc đầu.
Người lính ấy ngờ đâu lại lính,
Để đêm nay bên cánh song hờ.
Gió đông từng trận vật vờ,
Thấy mình với lại người thơ đời Đường.

Cùng một lẽ đoạn trường ấy cả,
Trước thì vay nay trả cho nhau.
Thơ ta gởi lại ngàn sau,
Đời như chưa hết niềm đau oán thù.
Khi đọc đến thổi phù khói thuốc,
Nghĩ thương ta gặp bước chông chênh.
Nhìn ra trời đất mông mênh,
Thuở này cũng nỗi buồn tênh thuở nào !
Ví kẻ ấy, vì sao chẳng rõ,
Lúc cuối năm vò võ xa nhà.
Cũng mê thơ nhạc như ta,
Rưng rưng thương quá Ông Hà Thượng Nhân !
Hỡi người bạn không cần biết mặt,
Cũng không cần là thật hay hư.
Lòng ta dù vẫn riêng tư,
Cảnh ta thì cũng y như cảnh người.
Bạch Cư Dị bên trời lận đận,
Chẳng qua vì cái hận công danh.
Tâm kia để lụy đến hình,
Cổ kim chẳng lọt khỏi vành áo cơm.

Nay gần gũi cọng rơm cuộng rạ,
Cỏ cây này có lạ gì đâu !
Phong trần làm ráo lệ sầu,
Thôi ! Rồi nước chẩy qua cầu cũng qua.
Nắng có đốt nhưng hoa vẫn nở,
Sương có gieo, lộc mở cành xuân.
Ta còn bạn hữu quây quần,
Thay ly rượu trắng bằng tuần nước trong.
Còn nguyên vẹn tấm lòng náo nức,
Biết có trăng là thức chờ trăng.
Cùng trăng chẳng được đãi đằng,
Ngoài thềm man mác lòng giăng mắc sầu !
Bạch Cư Dị mày chau, mực cạn,
Khiến hậu sinh vô hạn cảm hoài.
Nòi tình ta vốn cùng loài,
Hỏi ngàn năm tới chờ người giải cho.
Tìm sự thật xin thưa : có dễ ?
Nếu như còn thiên vị chủ quan.
Đúng sai nghĩ lại bàng hoàng,
Sử xanh nào thiếu nỗi oan tầy trời !

Đời Không Đáng Buồn 4


Dù ở chốn thiên nhai, hải giác,
Dù trời thu man mác hơi may.
Ông còn có chén rượu cay,
Còn thơ đủ để mình say với mình.
Bao nhiêu nỗi bất bình nói hết,
Bút, mực còn Ông viết tự do.
Đêm trăng thả một con đò,
Kề bên người đẹp nhỏ to tiếng đàn.
Giữa trời nước chứa chan cảm khái,
Bờ lau khô gác mái chèo con.
Tỳ bà thánh thót nỉ non,
Áo xanh càng ướt, rượu ngon càng đầy.
Tôi canh vắng nằm đây thao thức,
Nhớ vợ con đau nhức ruột gan.
Chẳng xa mà cách muôn vàn,
Gió xuân có lọt vào màn em không ?
Muốn mở cửa dậy trông trăng sáng,
Trăng thượng tuần lênh láng tường giam.
Yêu trăng thôi cũng đành cam,
Yêu thơ thật khó mà làm được thơ.

Khoanh tay gối ngẩn ngơ trằn trọc,
Thèm cánh chim ngang dọc trời cao.
Cuộc đời tựa giấc chiêm bao,
Nỡ đem thù hận buộc vào anh em.
Kẻ đồng chủng lại xem như lạ,
Cùng quê hương mang dạ nghi ngờ.
Rối tung bày một thế cờ,
Tàn canh, vẫn lại chữ cơ, chữ thời.
Tôi muốn sống cuộc đời thi sĩ,
Cũng như ông, vốn dĩ nòi tình.
Chỉ mong thế giới hòa bình,
Mong người no ấm, mong mình thảnh thơi.
Giữa trần giới rong chơi một kiếp,
Khúc hạo ca (1) viết tiếp tri âm.
Thế nhưng gió bụi cát lầm,
Quẩn quanh laị đã bốn năm ở tù.
Ngày đoàn tụ mịt mù chẳng biết,
Tin vợ con biền biệt không hay.
Hỏi ai, món nợ ai vay,
Chúng tôi liệu trả đến ngày nào xong ?

(1) Hạo ca hành, thơ Bạch Cư Dị.

Đời Không Đáng Buồn 5


Đã chẳng thể uốn cong ngòi bút,
Lại bởi vì còn chút lương tâm.
Thế nên muốn sống âm thầm,
Miệng không định nói, ngậm câm chẳng đành.
Tai sớm tối đã thành thông lệ,
Không tiếng giun, tiếng dế kêu trăng.
Chỉ nghe tiếng kẻng hung hăng,
Định giờ thức, ngủ, giờ ăn, giờ làm.
Cùng sông núi Bắc, Nam cách trở,
Nhớ ngày xưa hớn hở năm châu.
Sớm còn tuyết trắng trời Âu,
Chiều thôi nắng cháy địa đầu Nam Phi.
Chim ngại bay hay vì thiếu gió,
Người có chân, chịu bó chân ngồi ?
Đọc thơ lòng những bồi hồi,
Sông Bồn (1) núi Nghệ (2) Ông, tôi cùng buồn !
Nếu xét kỹ cội nguồn tâm sự,
Ông với tôi tình tự khác nhau.
Tuổi Ông tóc chớm ngả mầu, (3)
Còn tôi sương bạc mái đầu hoa râm.

(1) Sông Bồn gần chốn cát lầm (Tỳ Bà Hành)
(2) Núi Nghệ: vùng núi trong tỉnh Nghệ An.
(3) Lúc này Bạch Cư Dị mới 45 tuổi, tác giả gần 60.


Tuổi tuy khác nhưng tâm lại một,
Khờ là ta, dại dột là ta.
Ngây thơ từ trẻ đến già,
Lúc nào cũng cứ thiết tha, chân thành.
Nhờ bùn rác, cành xanh, quả mật,
Thiếu núi sông trời đất vô duyên.
Không trong cảnh ngộ đảo điên,
Biết ai hào kiệt, ai hiền, ai ngu ?
Lời thơ ấy ngàn thu còn mãi,
Cũng gọi là món lãi nhân sinh.
Thương Ông ai sẽ thương mình ?
Bên trời lận đận, mối tình oái oăm !
Muốn hú vía hỏi thăm người cổ,
Ta là ai ? Ai đó là ta ?
Canh khuya vắng tiếng tỳ bà,
Mênh mông dằng dặc bao la đất trời !
Định mở miệng nghẹn lời chẳng nói,
Nói với ai ? bụng đói tay run.
Hỡi ơi ! Mực cạn, bút cùn,
Văn chương nếu rẻ như bùn đã may !
Vốn chẳng sợ chất cay vị đắng,
Thì nắng mưa, mưa nắng sự thường.
Ông làm nổi giá Thịnh Đường,
Liệu tôi góp với văn chương được gì ?

Đời Không Đáng Buồn 6


Lúc thì bị khinh khi đày đọa,
Khi thì nghe đe dọa, dày vò.
Lo từ việc nhở, việc to,
Gấp chăn, phơi gối để tô lấy phần.
Lo sao để đừng nhầm, đừng lẫn,
Đừng nhớ, quên, lơ đãng như xưa.
Văn chương, nghệ thuật đều thừa,
Thẻ đường, thìa bột mới vừa lòng nhau.
Chẳng cần biết niềm đau tâm thức,
Chẳng cần bàn đạo đức phải chăng.
Chỉ còn biết tới miếng ăn,
Chỉ còn sót lại bản năng tự tồn !
Tôi riêng bảo : muốn khôn, hãy dại,
Lỗi tại ai ? Lỗi tại chính mình.
Trùng khơi thả sức cá kình,
Chuồng con hổ báo cũng thành hươu nai.
Ông buồn nỗi không ai bầu bạn,
Gặp tri âm dốc cạn nguồn cơn.
Bao nhiêu mừng rỡ tủi hờn,
Tiếng tỳ hoặc mắc nợ ơn thi hào ?

Tôi bằng hữu ra vào đông đúc,
Lại thua Ông một khúc tỳ-bà.
Tóc bù, mắt sáng lũ ta,
Niềm tin hừng hực bao la đất trời.
Mặc ruồi nhặng lả lơi trước mắt,
Vào lò than rõ sắt, rõ chì.
Ung dung lúc đứng, lúc đi,
Thăng trầm thì có đáng gì quan tâm ?
Chốn cát bụi trót lầm phải tỉnh,
Sát hại nhau vì đỉnh, vì chung.
Trải qua một cuộc tranh hùng,
Ba mươi năm đã vô cùng thảm thương !
Tôi chợt nhớ đời Đường, Đỗ Phủ
Bài Thạch-hào (1) nhắn nhủ gì ta ?
Gẫm từ gây chuyện can qua,
Hại chung khắp cả muôn nhà, lợi ai ?

(1) Thạch-hào-lại, thơ Đỗ Phủ.

Đời sao lại mỉa mai đến thế,
Xô người thơ vào kế đao binh ?
Mà thôi, thành bại, nhục vinh,
Chờ xem công luận phẩm bình mai sau.
Ông vẫn đau cái đau đẩu mễ, (1)
Tôi muốn quên, hồ dễ quên cho !
Ở tù mới quý tự do,
Nếu chưa biết đói, khi no chẳng mừng.
Đã như thế thì đừng than thở,
Tìm đâu xa ? Hay dở nơi mình.
Mùa xuân nằm giữa đất Vinh,
Đọc Ông cảm mối thâm tình chứa chan.

(1) Vị đẩu mễ triết yêu (vì đấu gạo gẫy lưng).
Ý nói vì miếng cơm, manh áo phải chịu làm quan để mất tự do.

Đời Không Đáng Buồn 7


Ông sinh lúc vua quan phong kiến,
Tôi gặp thời tiền tiến văn minh.
Nhiều hôm mình tự hỏi mình,
Thời Ông phỏng có thái bình, tự do ?
Nghe nói đến muôn vò rượu quí,
Lại rất đông nguyên súy tao đàn !
Văn không riêng một họ Hàn, (1)
Thơ thì Lý, Đỗ kề bàn Âu, Tô. (2)
Trăng gió sẵn tha hồ ban phát,
Của trời cho bát ngát vô biên.
Ngang tàng một thuở trích tiên,
Áo là hây hẩy trước hiên ỡm ờ.
Sông Xích Bích bay mờ ánh thép,
Tào A Man (3) kiếm chép thành thơ.
Đoản ca (4) còn mãi đến giờ,
Buông gươm tay nọ, cầm thơ tay này.

(1) Hàn Dũ.
(2) Lý Bạch, Đỗ Phủ, Âu Dương Tu,
Tô Đông Pha.
(3) Tức Tào Tháo
(4) Đoản ca hành. (Thơ Tào Tháo)


Khi dũng tướng thành lay, núi đổ,
Lúc lui về : cửa sổ trăng treo.
Mái rơm quên mọi eo sèo,
Thênh thênh vạt áo lưng đèo phất phơ.
Đọc kinh Phật bên bờ suối vắng,
Trần hai vai sưởi nắng đầu xuân.
Chim ngàn ríu rít quây quần,
Bao giờ hết kiếp trầm luân thì về.
Không hề sợ, không hề oán thán,
Thuận lẽ trời đánh ván cờ cao.
Rượu ngon chẳng đợi ai chào,
Cơn vui tuấn mã, kim bào coi khinh.
Cởi áo mũ Uyên-Minh (1) thảng thích,
Dễ công danh buộc xích được người ?
Về vườn hoa lá tốt tươi,
Dăm ba thủa cúc, vài mươi gốc tùng.

(1) Tức Đào Tiềm, người bỏ quan về ở ẩn,
Tác giả bài “Quy khứ lai từ”.

Dưới tàn lá ngó mung trời đất,
Nghĩ nguồn cơn cười ngất phù du.
Ở đâu phấn nữ hoa cù, (1)
Đổi thay tất cả mịt mù khói sương.
Nay thời thế mối rường đổi khác,
Sống là ăn, là mặc, là làm.
Làm sao từ Bắc chí Nam,
Bàn tay ai cũng nhúng chàm như nhau.
Hoa chỉ đẹp một màu hoa đỏ,
Nói chỉ mong nói rõ lập trường.
Lập trường từ chuyện yêu thương,
Trong từng nhịp thở trong đường bước đi.
Ta khác nhau chẳng vì kim cổ,
Một nỗi lòng thuỏ đó, giờ đây...
Phương đông hoặc giả phương tây,
Vui buồn, cười khóc xưa rầy y nguyên.
Mà khác nhau vì quyền, vì lợi,
Trăng vẫn trăng vời vợi thuở nào.
Có ai lên đỉnh trời cao,
Nhìn sâu ngàn kiếp chiêm bao thẫn thờ !

(1) Hoa cù hồng phấn nữ
Tranh khán lục y lang.

Đời Không Đáng Buồn 8 - 1


Ông tự thấy bơ vơ lạc lõng,
Trước ngọn đèn buông thõng đôi tay.
Rượu say hay chính lòng say ?
Đọc thơ mình những đắng cay dùm người !
Cách xa nhau trên mười thế kỷ, (1)
Mà tưởng đâu như thể bạn bè.
Như Ông nói để tôi nghe,
Xạc xào tiếng lá bên hè lạnh tanh.
Bến Tầm Dương đêm xanh huyền hoặc,
Một dòng sông vằng vặc trăng thu.
Đông tây phẳng lặng như tờ,
Thuyền con mấy lá, đôi bờ nước trôi.
Người kỹ-nữ vén ngồi khép nép,
Vài nếp nhăn hằn mép già nua.
Cuộc đời thôi thế là thua,
Thời gian sao có thể mua mà hòng !
Rồi tới lúc lưng còng gối mỏi,
Sắc Tây Thi tránh khỏi tàn phai ?
Tử sinh nào có riêng ai ?
Ngàn xưa vẫn tiếng thở dài ngàn sau !

(1) Bạch Lạc Thiên sinh năm 772, mất
năm 846, cách nay (1979) là 1257 năm.

Đời Không Đáng Buồn 8 - 2


Công với tội, lừa nhau đến thế,
Đắt bao nhiêu chiếc ghế quyền hành !
Ngày nào mái tóc còn xanh,
Soi gương mình bỗng giật mình : phù du !
Mặc những kẻ gây thù chuốc hận,
Nã Phá Luân, Đại Hãn còn không ?
Chỉ còn riêng một tấm lòng,
Và thêm vào đó những dòng lệ sa.
Ta vẫn ca khúc ca nhân ái,
Vẫn ung dung phong thái người thơ.
Ở tù hay chẳng ở tù,
Xưa kia Uy Viễn bây giờ là ai ? (1)
Địa vị khác, mắt tai chẳng khác,
Khói thuốc lào ngào ngạt vẫn say.
Bốn năm ừ nhỉ đổi thay,
Tóc kia bạc trắng, lòng này bạc chăng ?
Miếng cay đắng cầm bằng gia vị,
Càng hiểu thêm giá trị tinh thần.
Làm người nếu chẳng phong trần,
Nếu không thử thách, đâu cần bọn ta ?
Cây đứng trước phong ba vẫn vững,
Đối bóng mình nhìn sững phòng giam.
Mai về vẩy nước sông Lam,
Tưới cây Hồng lĩnh ta làm thi nhân.

(1) Uy Viễn : tức Nguyễn Công Trứ.

Đời Không Đáng Buồn 9 -1


Ta làm kẻ chân trần, áo vải,
Học thêm người từng trải, khôn ngoan.
Ước cùng tráng sĩ muôn ngàn,
Rủ nhau rảo khắp doanh hoàn thử xem. (1)
Đến lúc đó nếu thèm củ sắn,
Nghĩ tới ai chân lấm, tay bùn.
Rủ nhau phá sạch gông cùm,
Tự do đốt lửa dâng ngùn ngụt cao.
Rồi ta sẽ người nào, việc nấy,
Nhìn vào đâu cũng thấy thương yêu.
Môi son, thiếu nữ sớm chiều,
Vun hoa, gió thổi áo điều phất phơ.
Trẻ ngồi học ngây thơ sớm tối,
Già thưởng trà, tóc rối tơ trăng.
Rồi trong ngôn ngữ, nói năng,
Chữ nào như chữ bất bằng, bỗng quên.
Giữa trang sách bừng lên tiếng hát,
Dòng sông xanh bát ngát lừng hương.
Vẫn cây, vẫn nước Tầm Dương,
Nhưng ngày nay đã chật đường ngựa, xe.

(1) Ý thơ Lý Đông A
.

Đời Không Đáng Buồn 9


Dù có muốn đêm nghe vượn hú,
Tìm đâu ra cái thú lâm tuyền.
Đêm trăng vắng giọng Đỗ Quyên,
Lại đâm nhớ tiếc con thuyền lênh đênh !
Vài đốm lửa bập bềnh sóng nước,
Ngoảnh vời trông sau, trước bao la.
Vỗ thuyền ca một khúc ca,
Rằng xưa tâm sự tỳ bà thật chăng ?
Thật chỉ có Ngũ Lăng công tử,
Rượu thơm ngon rót thử chén vàng.
Lầu bên người đẹp nhìn sang,
Mây Tầm Dương, nước Lam Giang hữu tình.
Thật chỉ có : Chúng mình bầu bạn,

Thuận nhân tình tát cạn biển Đông.
Bấy giờ tôi lại đọc Ông,
Gửi về dĩ vãng : Đời không đáng buồn.

Ngày tháng khó quên 1


Điện Hàm Dương cháy dài ba tháng,
Lửa phần thư (1) thắp sáng căm hờn.
Nho môn ngày một đông hơn,
Thảm thương chưa, nỗi cô đơn bạo Tần.
Tượng dù đúc muôn phần bền vững,
Máy thời gian rồi cũng xoi mòn.
Thế nhưng tấc dạ héo hon,
Tiếng tỳ-bà ấy vẫn còn trong thơ.
Tôi chỉ có vài tờ giấy xấu,
Ngọn bút chì rướm máu bi thương.
Những chiều mưa gió thê lương,
Nhớ vô cùng nhớ con đường vào Nam.
Nhớ hè phố xanh lam tà áo,
Nhớ trên tay trang báo vừa in.
Quán Chùa (2) những buổi săn tin,
Vây quanh bàn nước mắt nhìn ngu ngơ.
Nhớ Thanh Thúy canh khuya nức nở,
Bạn bè mình ai ở, ai đi ?
Nhớ đêm ca nhạc Queen Bee,
Lúc này mái tóc Khánh Ly còn dài ?

(1) Phần thư khanh nho (đốt sách chôn học trò).
(2) Quán La Pagode ở đường Tự Do, Sài Gòn.

Ngày tháng khó quên 2


Ghế công viên còn ai thủ thỉ ?
Xăng còn thơm không khí Sài Gòn ?
Nhớ ơi những cặp môi son,
Gió vờn quần lẳn búp non sỗ sàng.
Ông (1) nhìn ánh trăng vàng man mác,
Nhớ thành đô đài các kiêu sa.
Canh khuya vẳng tiếng tỳ-bà,
Mừng như gặp lại hương thừa đế kinh.
Tôi được ảnh gia đình gởi tới,
Bốn năm trường tưởng mới vừa đây.
Con tôi mắt sáng thơ ngây,
Nụ cười tươi nở như ngày nào xưa.
Tưởng cuộc sống vẫn chưa thay đổi,
Dù bao nhiêu nông nỗi đoạn trường.
Hỏi gì còn với phong sương,
Uy quyền hay chính tình thương nồng nàn ?

(1) Tức Bạch Cư Dị.

Ngày tháng khó quên 3



Chúng gây nên muôn vàn tội ác,
Miệng không quên khoác lác tuyên truyền.
Tương lai hứa hẹn hão huyền,
Dân khom mình dưới bạo quyền : thi đua.
Lớn phè phỡn cười đùa thắng lợi,
Nhỏ lăng xăng ca ngợi công lao.
Làm như toàn thể đồng bào,
Từ nay no ấm, ra, vào thảnh thơi.
Muốn bắc thang lên trời hỏi thử,
Trời ở cao, trời cứ làm thinh.
Xây xong Vạn Lý trường thành,
Thêm bao nhiêu nấm mồ xanh dọc đường ?
Máu của kẻ hiền lương phải đổ,
Để Đức Vua ngửa cổ tự hào.
Nghênh ngang văn võ ra, vào,
Mỗi năm mỗi chén rượu đào thêm ngon.
Kẻ chép sử tô son mặc cảm,
Ca tụng dân can đảm, anh hùng.
Nhân danh thôi cứ lung tung,
Dưới trên lại mở tiệc tùng tri ân !
Trong khi ấy người dân gục xuống,
Bát mồ hôi đổ luống cày sâu.
Nhân quyền biết ở nơi đâu ?
Chỉ nghe bốn phía cúi đầu hoan hô !

Những việc còn phải làm 1


Nghe trong gió mơ hồ tiếng khóc,
Mây mùa thu trải tóc mong manh.
Đầu hè yếm lụa phong phanh,
Ô ! Hương bồ kết hiền lành thoảng bay.
Em ! Cô gái của ngày trẻ dại,
Ba mươi năm trở lại quê nhà.
Cỏ cây cũng lạ lùng ta,
Nửa khuya vẳng mấy tiếng gà lẻ loi.
Trăng lơ đãng dọc soi cửa sổ,
Ta ngâm bài thơ cổ Trung Hoa.
Ngang trời đàn quạ bay qua,
Thoắt thôi chăn chiếu chan hòa trăng non.
Em : hơi thở thơm ngon mùi nếp,
Mỏng như tơ khói bếp Hàn Giang.
Lá ngô chưa rụng giếng vàng,
Heo may thoắt đã mang mang thổi về.
Ông trước chén bộn bề tâm sự,
Tôi nhìn trăng cứ ngỡ trăng nào !
Miên man lá cỏ rì rào,
Đất trời này lúc đi vào cơn say.

Những việc còn phải làm 2


Ôi cơn gió heo may thuở trước,
Lạnh ngàn năm sông nước Tầm Dương.
Về đây rừng núi Thanh Chương,
Nghe heo may nổi canh trường ngẩn ngơ !
Trước đã có nhà thơ cùng quẫn,
Ngàn năm sau sao vẫn còn ta ?
Đời gần tưởng đã rất xa,
Bâng khuâng vì tiếng Tỳ-Bà chưa nghe.
Tưởng thấy cảnh ngựa xe tấp nập,
Khách phong lưu vồ vập ngày đêm.
Về chiều lá rụng quanh thềm,
Trước sân nhát chổi ngày thêm trễ tràng.
Ông cam chịu đầu hàng số mệnh,
Tôi gần đây cứ bệnh liên miên.
Bỗng dưng thương nhớ Tiên Điền,
Đang khi đất nước đảo điên, mình già !

Việc còn phải làm 3


Ai xưa mạnh nhờ ba tấc lưỡi,
Vén mây mù đạp cưỡi cuồng phong ?
Làm cho đất lở, trời long,
Giam ta sao nổi mấy vòng kẽm gai ?
Cũng đầu óc, cũng tai, cũng mắt,
Nghĩ nguồn cơn đau cắt thịt da.
Tám mươi Lã Vọng chưa già,
Lẽ đâu ta chẳng là ta thuở nào ?!
Thuở nhìn cảnh đồng bào đói khổ,
Quyết xông lên đạp đổ bất công.
Nắm tay giành lại núi sông,
Mà tô cho được màu hồng tự do.
Khắp Nam Bắc ấm no, hạnh phúc,
Ta về bên khóm trúc nhìn trăng.
Ngày nay gặp cảnh bất bằng,
Đêm đêm vẫn nghiến hàm răng đợi chờ !